Nhận thức là cả một quá trình tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, vừa mang tính cụ thể, vừa chứa đựng sự trừu tượng, từ giai đoạn đầu tiên trực quan sinh động đến giai đoạn tư duy trừu tượng và cuối cùng trở lại với thực tiễn để kiểm nghiệm đúng, sai. Đây là sự tóm tắt không đầy đủ về ý nghĩa của từ “nhận thức”, chẳng qua để nói lên một điều: vì con người là những thực thể khác biệt nhau nên nhận thức cũng hoàn toàn khác biệt.
Người ta hay bảo “chín người mười ý” nhằm đúc kết một thực tiễn: về nhận thức, khó có ai giống ai, chỉ có cái “tôi” là duy nhất đúng. Tôi nói cái này là A thì đừng ai nói B, vì như vậy là sai. Trong cuộc sống, nhiều lúc cần thoả hiệp để tìm sự thống nhất, để “dĩ hòa vi quý”, người ta bất đắc dĩ phải đồng lòng, nhưng bên trong vẫn cố giữ ý riêng. Có một số người lơ mơ, không có riêng chủ ý, gặp A thì nói theo A, gặp B nói theo B, ta gọi đó là kẻ cơ hội.
Điều khó khăn nhất của con người có lẽ là thuyết phục người khác làm theo ý của mình. Ai cũng cho mình là đúng. Lúc còn thơ bé, đầu óc non nớt còn có thể bị người lớn “nhồi nhét” tư duy. Lớn hơn một chút, đặc biệt giai đoạn tuổi dậy thì, đứa bé đã biết cãi lại, lúc ấy nhận thức được tích lũy bắt đầu phát triển, sự phân biệt đúng sai đã bắt đầu mang tính chủ quan.
Nhưng “nhận thức” nói một cách chung nhất vẫn mang tính trừu tượng hơn là cụ thể, còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như văn hóa của mỗi quốc gia, địa lý, vùng miền…Chẳng hạn người Mỹ nói “Why not” thì có hai nghĩa, một là dạng câu hỏi “Tại sao không?”, nghĩa thứ hai là xác định “Tại sao không chứ”. Còn tiếng Việt, “Tại sao không?” đơn giản chỉ là câu nghi vấn. Hoặc khi người miền Nam nói “Đây là cái ly”, người miền Bắc lại bảo “Không, đó là cái cốc”.
Nhận thức là cả một quá trình tiếp thu kiến thức, nói nôm na là thế, như câu chuyện tôi vừa đọc được trên internet sau đây, trong đó “chiếc cốc trà” đã được nhân cách hóa:
Có đôi vợ chồng rất hay đi mua đồ lưu niệm. Đó là lễ kỉ niệm 25 năm ngày cưới của họ. Cả hai đều thích những món quà đầy nghệ thuật và đồ gốm, đặc biệt những chiếc cốc uống trà.
Trong cửa hàng lưu niệm nọ, họ nhìn thấy một chiếc cốc rất đẹp. Họ hỏi người bán hàng:
“Chúng tôi có thể xem được không? Sao mà họ có thể làm được cái cốc tuyệt vời thế nhỉ?”.
Thật kỳ lạ, khi người bán hàng đưa cho họ thì chiếc cốc bất ngờ lên tiếng: “Bạn không hiểu sao?” – Nó nói – “Ngay từ đầu tôi không phải là một cái cốc.
Ban đầu, khi tôi là một tảng đất sét màu đỏ, người nghệ nhân đã cầm tôi lên, nhào nặn tôi thật nhiều. Đau đớn, tôi thét lên: “Hãy để tôi yên” nhưng ông ta chỉ cười và trả lời: “Chưa phải lúc”.
“Sau đó tôi được lên bàn quay” – cái cốc nói tiếp – “và bất ngờ tôi quay, quay và quay tròn. Tôi bắt đầu la hét: “Dừng lại đi. Dừng lại. Tôi chóng mặt quá” nhưng người nghệ nhân vẫn lắc đầu nói: “Chưa phải lúc”.
Sau một hồi quay tròn, anh ta đặt tôi vào trong lò. Tôi chưa bao giờ thấy chỗ nào nóng như thế. Tôi cứ băn khoăn không biết tại sao anh ta lại muốn nung tôi, và tôi bắt đầu la hét, tôi đập vào thành lò. Cửa lò mở ra, trong ánh lửa tôi có thể nhìn thấy môi anh ta mấp mái khi lắc đầu: “Chưa phải lúc”.
“Sau đó cửa lò lại đóng lại. Mãi sau cửa lò mới mở ra lần nữa. Người nghệ nhân nhấc tôi ra, đặt lên giá và tôi bắt đầu cảm thấy lạnh.
“Ở chỗ này thật dễ chịu” – tôi nói. Nhưng anh ta không để tôi yên, anh ta lôi tôi xuống, vẽ và sơn lên mình tôi. Cái mùi đó thật khó chịu. Tôi tưởng tôi không thở được. Tôi yêu cầu anh ta dừng lại, nhưng một lần nữa anh ta lại lắc đầu và nói “Chưa phải lúc”.
Sau một hồi tô vẽ, anh ta đặt tôi trở lại lò, cái lò này khác cái ban đầu. Nó nóng gấp đôi cái cũ và tôi nghĩ là tôi có thể chết ngạt trong đó. Tôi cầu xin. Tôi năn nỉ. Tôi la hét. Tôi khóc. Nhưng những gì tôi nghe và nhìn thấy vẫn chỉ là cái lắc đầu và câu nói: “Chưa phải lúc”.
Lúc ở trong lò, tôi nghĩ là không còn một chút hi vọng nào nữa. Tôi đã hoàn toàn từ bỏ. Nhưng chính lúc đó, cửa lò bật mở và người nghệ nhân nhấc tôi ra, đặt tôi trước một cái gương và bảo: “Nhìn bản thân mi đi”.
Tôi mở mắt, nhìn vào gương. Thật ngạc nhiên, đó không phải là tôi lúc trước nữa, không thể là tôi. Trong gương là một cái cốc thật đẹp. Và tôi thật đẹp”.
“Ta muốn mi biết rằng” – người nghệ nhân nói với tôi – “Ta biết mi rất đau đớn khi ta nhào nặn mi, nhưng nếu ta dừng lại, mi chỉ là một nắm đất. Ta biết mi quay cuồng trên bàn xoay nhưng nếu ta dừng lại, hình dáng của mi sẽ rất bất bình thường. Ta biết thật là nóng và khó chịu khi ở trong lò, nhưng nếu ta không nung mi trong đó, mi sẽ rất dễ vỡ.
Ta biết sơn thật khó chịu khi ta quét chúng lên người mi, nhưng nếu ta không làm, mi sẽ luôn luôn khoác lớp áo xấu xí. Và để hoàn thiện nước men cho mi, ta buộc phải đặt mi vào cái lò thứ hai.
Có thể mi không thể tồn tại qua quãng thời gian đó vì mi không đủ can đảm để tiếp tục. Nhưng giờ mi đã là một sản phẩm hoàn hảo. Mi đã trở thành đúng thứ mà ta muốn từ khi ta bắt đầu”.
Không ai có thể có được những điều tốt đẹp mà không trải qua khó khăn và thử thách.
Nguyễn Thi Minh Nguyệt
Theo Inspirational
Chiếc cốc trà, nhân vật biểu tượng đã trải qua cả một quá trình nhận thức mang tính chất vừa ý thức, vừa vô thức, vừa cụ thể, vừa trừu tượng và đầy tính trực giác. Tương tự như thế, quá trình xử lý thông tin của mỗi người sẽ giúp họ tạo ra được những tri thức mới.
Tôi có một anh bạn, gia đình thường xảy ra mâu thuẫn, cải vã giữa vợ chồng. Mỗi lúc có xung đột là anh rủ tôi ra ngồi cà phê tâm sự. Một hôm anh kể:
• Bà xã tôi kỳ cục lắm, cứ đến buổi cơm là than vãn đồ ăn lên giá, chợ búa mắc mỏ, ám chỉ tôi đi làm chẳng được thu nhập bao nhiêu.
• Vợ tôi cũng thế, nhưng có lẽ ít hơn vợ anh. Mà tôi thấy điều đó cũng đúng, bả đâu có thêm bớt gì.
• Tôi đi làm cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ có sướng ích gì. Bả cứ động chạm vấn đề tiền nong, lương bổng với tôi hoài, thật không thể chịu nổi.
• Ủa, bả cứ nhằn anh chuyện đó hoài vậy sao?
• Nhằn thì không. Bả chỉ nói về giá cả đắt đỏ thôi.
• Ồ, đàn bà ai chẳng thế. Anh chỉ cần gạt gù đồng ý với bả là xong chứ gì. Có lẽ do bả nghĩ đàn ông chúng mình thường vô tâm, không để ý gì đến chuyện kinh tế, tài chánh gia đình nên cố tình thông tin cho mình biết đó thôi.
• Nhưng cứ lải nhải như thế tôi không thích. Chắc ý bả là “lương ông chả được bao nhiêu, bớt chi xài lại đi”.
• Tôi nghĩ không phải đâu. Một là bả nói cho anh thông cảm, hai là để có chuyện nói trong bữa cơm. Vợ tôi thì hay than thở công việc mệt nhọc, tôi an ủi vài câu là im re.
• Sao anh cứ bênh vực vợ tôi hoài vậy? Tôi là bạn thân của anh, sao anh không thông cảm cho tôi?
Tôi giật mình với lời trách móc của anh bạn, nói vài câu cho qua chuyện. Thì ra nhận thức của anh ấy chỉ mới vừa thoát ra khỏi ý nghĩa suy luận, chưa có tính thực tiễn. Chưa chi anh đã quy nạp một cách giản đơn vấn đề. Thành kiến cũng chính là yếu tố quyết định nếp nghĩ của anh, khiến anh trở thành kẻ cố chấp.
Theo thời gian, nhận thức ắt sẽ thay đổi. Lịch sử thế giới kể rằng, thời Hy Lạp cổ đại cho đến tận thế kỉ XVI, con người vẫn quan niệm rằng Trái Đất đứng yên, là trung tâm của Vũ Trụ, Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể khác quay quanh Trái Đất. Mãi cho đến thế kỉ XVI, Nicolaus Copernicus (1473-1543) là nhà thiên văn học người Ba Lan, ông đã đưa ra thuyết nhật tâm (ngược với thuyết địa tâm), cho rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ, các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời, Trái Đất quay xung quanh trục của nó trong khi chuyển động quanh Mặt Trời. Galileo Galilei (1564-1642) sinh ra ở thành Pisa, là một nhà thiên văn học, toán học, vật lý học và triết học người Italia ủng hộ mạnh mẽ thuyết nhật tâm. Học thuyết của Galileo Galilei vừa ra đời đã bị nhà thờ và Giáo hội phản bác, cho rằng học thuyết của ông là dị đoan. Cuối cùng, vào năm 1633, ông bị gọi ra trước tòa án dị giáo, bị kết án và ra lệnh bỏ tù, phán quyết này sau đó được đổi thành quản thúc tại gia cho đến khi ông qua đời, để lại những câu nói đến ngày nay vẫn còn là chân lý: “Tôi cho rằng trên thế giới này không gì đau khổ hơn là không có tri thức”, “Chân lý luôn hàm chứa một sức mạnh, anh càng muốn công kích nó thì nó lại càng vững chắc, và cũng là anh đã chứng minh cho nó”. Tương truyền rằng, sau khi bước ra khỏi cửa tòa án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”.
Hồi còn học trung học, một hôm bạn tôi nói với tôi trên đường đi khi thấy một bạn khác mặc quần có hai túi đắp ngoài:
• Tao ghét nhất là quần túi đắp.
Tôi đồng tình ngay:
• Tao cũng vậy. Thấy nó có vẻ bụi đời quá, không đứng đắn.
Một thời gian sau khi may quần áo đi học mới, tôi bảo thợ may:
• Chị may quần nhớ may túi đắp nhé.
Lúc ấy tôi đã quên bẵng câu chuyện với người bạn nọ.
Chuyện về điện thoại di động, lúc ban đầu khi mới sở hữu được chiếc Motorola, tôi nói với bạn bè:
• Chỉ là nghe gọi thôi mà, cái nào chả được.
Không lâu sau đó, tôi khó tính hơn khi chọn mua chiếc di động mới. Nào là phải nhỏ gọn, có chế độ rung, nào là phải do hãng nổi tiếng sản xuất, phải có nhiều màu sắc để chọn lựa. Smartphone ra đời, quan niệm của tôi càng khe khắt hơn. Rõ ràng thời gian đã làm thay đổi nhận thức.
Tuỳ theo trình độ học vấn, sự giáo dục của gia đình và xã hội, chúng ta có những nhận thức khác hoặc tương tự nhau về con người và sự vật. Có một câu chuyện xảy ra trong một bệnh viện, khoa sản. Bà kia, trạc 50 tuổi đi thăm con gái mới sinh, thấy chàng trai nọ đang bế bé sơ sinh cho vợ đi toilet, lại gần nhìn rồi bảo:
• Con gái xấu quá, miệng rộng mũi tẹt. Da lại đen nữa, không giống cha chút nào.
Chàng trai làm thinh, lát sau kể lại cho vợ nghe. Vợ hỏi “Đâu, bà nào đâu” nhưng bà ấy đã ra về. Cô vợ tức quá, lồng lộn:
• Sao anh hiền quá vậy, không chửi cho bả một trận. Thứ đồ vô duyên.
Có vài người bạn khi comment Facebook tôi ăn nói không biết trước sau, lớn nhỏ, có lúc đùa thiếu ý tứ. Ví dụ như bữa kia tôi đăng bức ảnh chụp chung với cô bạn nhỏ, đáng tuổi con cháu, thằng bạn vào bình luận: “Dê già ăn cỏ non”. Thằng bạn khác thấy vậy cũng bon chen, viết: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại. Như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Tôi thì không hề gì, nhưng chỉ sợ cô bạn buồn nên xóa 2 comment đó luôn.
Nhận thức, một phạm trù triết học, mới sơ lược vài khái niệm mà bài viết đã khá dài, một phần cũng do copy trên mạng. Qua ghi chép này tôi chỉ muốn nói lên một điều: Khi phê phán một người nào đó bị lệch lạc trong nhận thức thì cũng đừng quá lời, phải biết thông cảm cho họ vì thật ra chính họ bị giới hạn về trình độ văn hóa, sự giáo dục của gia đình và xã hội, điều mà họ không hề muốn. Nhận thức của con người không đứng yên mà sẽ thay đổi theo thời gian để ngày càng tiệm cận hơn cùng chân lý.
(26/3/2021)