Ghi chép 

Tản mạn đêm về sáng

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Đêm về sáng, có tiếng lục đục ở phòng bên cạnh, tiếng chày đâm, giã trong cối một thứ gì đó. Có lẽ người phụ nữ ấy đang chuẩn bị thức ăn mang đi làm sớm. Đó là một cô tuổi trên 40, suốt ngày đi làm, tăng ca cả thứ bảy, chủ nhật. Cô ở một mình, lâu lâu có cậu con trai đến thăm. Cô ở phòng cuối dãy, gần nhà kho nhỏ của ông chủ. Căn phòng cả ngày khóa cửa.
Nhìn từ ngoài vào, bên phải phòng tôi là phòng của cô bé trạc 22,23 tuổi, cũng đi làm công ty, xí nghiệp. Lúc ở nhà cô bé hiếm khi mở cửa phòng, cứ đóng im ỉm suốt. Phòng này đổi chủ liên tục, cứ vài tháng là thấy có người mới đến ở.
Tôi nhìn giờ trên điện thoại: 4 giờ kém 5. Ngoài đường lác đác nghe tiếng xe chạy. Tôi đã ngủ một giấc dài, từ lúc gần 9 giờ tối, giờ khó ngủ lại tiếp. Vợ tôi vẫn đang say giấc. Tội nghiệp, cô ấy thật sự thèm ngủ lắm. Từ trước tết đến giờ cứ tăng ca suốt, không ngày nào nghỉ.
Hình như thời nay mọi người đã hòa nhịp cùng cuộc sống một cách tự nhiên, bình thản chứ không phải vội vàng gấp gáp. Mọi việc cứ diễn biến nhịp nhàng như nó phải thế và mọi người cứ thản nhiên nghĩ suy, hành động, xây dựng, hoạch định phương kế, kiểm soát phát sinh…Hình như những sự cản trở không còn gay gắt nữa, con người dễ thỏa hiệp với nhau hơn trước. Có lẽ đây là một điều tốt cho xã hội mới chăng?
Như vợ tôi chẳng hạn. Khoảng hăm mấy tết cô ấy bảo muốn tăng ca làm xuyên tết, khỏi về quê. Chỉ một phút suy nghĩ, tôi đồng ý ngay. Tôi hiểu vợ tôi có nhiều lý do riêng khi quyết định như vậy, chứ cô ấy mong về thăm nhà dịp tết còn hơn bất cứ ai.
Rồi chuyện em gái kế của vợ muốn cất nhà trong vườn nhà mẹ để chấm dứt quãng đời ở nhà thuê. Chị em trong nhà người ủng hộ, người không phản đối. Vậy là căn nhà nhỏ đã được dựng lên, sắp hoàn công. Vườn là vườn nhà mẹ, đất lại do đứa em em khác sở hữu, nhưng mọi việc đều diễn biến tốt đẹp. Chị em nhà vợ tôi, kẻ bỏ công, người giúp của. Đúng ra câu chuyện nhà cửa, đất đai luôn là đề tài nóng bỏng, chưa bao giờ có thể giải quyết dễ dàng, rốt ráo.
Chuyện anh bạn tôi, vợ chồng có đứa con trai cưng như trứng mỏng, đang học lớp 9. Mới đây đứa con kêu chán học, muốn đi học nghề. Hai vợ chồng buồn, tiếc đứt ruột nhưng rồi cũng đồng ý với con. Sự ép uổng không còn là phương sách hữu hiệu nữa.
Nhưng tất nhiên người ta không hề thỏa hiệp với cái xấu. Những điều trái khoáy, những chuyện ngược đời, những hành vi đen tối…khi bị phát hiện còn bị cả một cộng đồng mạng lên tiếng, kết án, có lúc còn bị điều tra tìm hiểu và “xử đẹp”.
Dường như Việt Nam đã thật sự hòa vào dòng chảy văn hóa thế giới, nhanh, gọn, mất ít thời gian và cuối cùng là hiệu quả. Nhưng một mặt khác, tôi nhận ra những người da vàng như mình vẫn còn luyến lưu ôm ấp một thứ gọi là tình người. Đó không phải đơn giản là tình đồng loại nói chung, mà sâu sắc, thấm thía như tình ruột thịt:

  • Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ
  • Chị ngã, em nâng
  • Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
  • Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng
  • Thương người như thể thương thân
    Còn biết bao câu ca dao, tục ngữ của ông bà tổ tiên để lại đề cao tình cảm ruột rà, tình làng nghĩa xóm mà dân ta đã thấm nhuần và lưu truyền đến đời con, đời cháu. Xem tin thời sự trên ti vi, thấy trên đường phố phương Tây người ta đi bộ dập dìu trên lề, mạnh ai nấy bước, không ai thèm nhìn đến ai. Những bước chân vội vàng. Những khuôn mặt không biểu cảm. Hồi má tôi còn ở Canada, đi xuống cầu thang chung cư thấy một bà đang bị té, lật đật bước tới định giúp thì bà khoát tay:
  • Thôi khỏi. Để tôi gọi bảo hiểm.
    Má tôi chưng hửng. Chừng nghe em tôi nói mới hiểu xã hội bên ấy là như vậy.
    5 giờ rồi. Giờ dậy sớm cũng không biết làm gì. Dạo này không hiểu sao tôi không muốn đi ngủ sớm, nhưng cứ làm bộ nhắm mắt một tí lại làm một giấc đến sáng. Thường thì 5 giờ rưỡi vợ tôi dậy, làm vệ sinh, pha cà phê cho hai đứa, ủi đồ rồi đi tắm. Đúng 6 giờ ba mươi hai đứa chở nhau đi ăn sáng rồi công ty thẳng tiến. À, hay là chút nữa vợ thức mình sẽ phụ trách việc ủi đồ nhỉ?

(02/3/2021)

Related posts

Leave a Comment