

Vừa ra trường, đi làm, tôi đã được cấp cho một phòng trong chung cư ngay trung tâm quận 3. Đó là một toà nhà cũ 5 tầng, không thang máy, đang xuống cấp, có dạng như một khách sạn. Lúc tôi về ở tầng 5, từ tầng 4 trở xuống còn là văn phòng của công ty. Mấy tháng sau cơ quan chuyển đi hết. Ban đầu tôi ở chung với thằng bạn, được một tháng thì nó chuyển vào ở phòng trong.
Khi cơ quan bắt đầu cấp phòng cho nhân viên, tôi dọn xuống tầng 3. Cuộc sống của tôi ổn định từ đó cho đến sau này. Chung cư dần kín chỗ, chúng tôi thuê bảo vệ, hàng tháng đóng góp tiền để trả lương. Được vài năm thì phòng tôi bị dột nước giữa trần, sửa hoài không được.
Do toà nhà đã quá cũ kỷ nên chuyện thấm dột là đương nhiên. Nước từ nhà tắm của gia đình trên lầu 4 thấm ra dưới sàn nhà, rò rỉ xuống trần phòng tôi. Nhìn bề ngoài thấy bình thường nhưng bên trong nước đã tích tụ, phải tìm đường thoát.
Gia đình lầu 4 không đồng ý cho tôi đào toilet lên để sửa, viện cớ nhà đông con, không thể ngưng tắm giặt hàng ngày. Vậy là tôi đành phải chấp nhận “sống chung với lũ”, lấy những chiếc lon dùng để hứng nước dột. Thấy thế, vợ chồng nhà tầng 4 cũng ái ngại. Ông chồng mua xi măng về tráng phòng tắm, hy sinh cả gạch bông. Nhưng đó không phải là cách, nước vẫn dột xuống phòng tôi.
Thấm thoát mà tôi đã ở trong căn phòng dột nát ấy được 5 năm. Trần phòng như oằn xuống. Một hôm, trần phòng chỗ tủ buýp phê để ti vi trong góc nhà, phía trên là bàn thờ ba tôi, nước lại ứa ra, nổi hột như người ta bị ghẻ phỏng. Tôi lo lắng quá nhưng bất lực, không biết phải làm sao. Tôi ngước nhìn di ảnh ba, nói thầm như cầu cứu:
- Ba ơi, có linh thiêng phù hộ cho con tìm ra nguyên nhân chỗ dột này.
Khấn ba xong, tôi như một cái máy, cầm búa và cái tua-vít, bắc ghế đứng lên đục thẳng vào tường. Nước ồ ạt chảy ra. Các hột nước trên trần từ từ biến mất.
Thời gian trôi đi, tôi sống với cái trần nhà thấm dột đã hơn 5 năm. Trần ố đen, rỉ mãi những hột nước, rơi xuống mấy chiếc lon hứng sẵn. Khách đến chơi ai cũng bảo trần phòng đang oằn xuống. Lo sợ mãi lâu ngày cũng thành quen, nhiều khi tôi quên mất nhà mình bị dột.
Hồi trẻ tôi ăn nói hoạt bát, lại hay hóng chuyện, chứ nếu ít nói như bây giờ chắc còn lâu mới gặp được người thợ hồ giỏi giang như chú Học. Một ngày kia tôi qua đường Phạm thế Hiển quận 8 để mua một cái tủ đựng quần áo. Có chú thợ hồ kia đang trò chuyện với ông chủ tiệm. Nghe chú kể về chuyện chống dột ở đâu đó thật ly kỳ hấp dẫn, tôi làm quen và nhờ chú sửa dùm nhà tôi. Tôi còn nhớ rõ chú tên Học, có hơn hai mươi năm trong nghề.
Chú Học đến nhà tôi, xem xét trần phòng và xin lên nhà lầu 4 để coi tình hình. Xong, về phòng tôi chú bảo:
- Tôi đã có cách, sửa mà không động chạm gì đến toilet của họ.
Tôi hơi mừng, hỏi nhanh:
- Cách sao chú?
- Đào rãnh bao quanh nhà tắm của họ. Rãnh nhỏ thôi. Xong đục một lỗ để bắt ống thông khí xuống phòng này. Tôi sẽ lát lại gạch bông cho họ.
Tôi trình bày phương pháp chống dột với gia đình lầu 4. Thấy không ảnh hưởng gì, họ đồng ý. Vậy là ngay hôm sau chú Học mang đồ nghề đến bắt đầu sửa chữa. Chú làm từ sáng đến xế chiều là xong.
Đêm đó tôi không tài nào ngủ được, cứ chốc chốc lại nhìn lên trần nhà. Tiếng nước rơi vào lon nghe tỏn tỏn không dứt. Nhưng tôi để ý giữa các lần thời gian có lơi đi thấy rõ. Đến gần sáng, mệt quá tôi thiếp đi. Chừng thức dậy nhìn lên trần phòng mới thấy các hột nước đã biến mất.
Giờ nhớ lại mới thấy câu ông bà hay nói về 3 điều khổ trong đời thật là chí lý:
“Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”
Nhà dột đứng hạng nhì cơ đấy.
(21/8/2020)