Xé hai ăn chè đậu tà hủ

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Chuyện hồi nhỏ của tôi, tôi nhớ cũng khá nhiều, nhưng chỉ từ lúc 5 tuổi trở đi, còn trước đó chỉ lờ mờ, chung chung, không có gì ấn tượng. Như chuyện hồi 3,4 tuổi, sáng sáng ra trước sân nhà vít đất ăn. Không biết tôi nghe ai nói ăn đất bổ lắm. Ha ha. Tôi còn bảo thằng em kế:

  • Ăn đi, bổ lắm đó.
    Thằng nhỏ lắc đầu quầy quậy:
  • Thôi, ghê thấy mồ.
    Nhưng tôi chỉ ăn một, hai miếng nhỏ, cho có. Vị đất ngòn ngọt pha lẫn mằn mặn, cảm giác lười xười trên đầu lưỡi.
    Hay lúc ba tôi đang ngồi nghe radio, chiếc pick-up với một thùng loa gỗ mặt nỉ, tôi cứ lần quần kế bên, tìm xem ai đang hát mà cứ nghĩ rằng người nào đó đang nấp trong chiếc radio. Ba tôi là người Hoa, thường mở đài để nghe hát Quảng.
    Ký ức về má tôi thì nhiều ăm ấp. Sau này lớn lên tôi nghe má kể hồi còn 1,2 tuổi tôi bị bệnh kinh phong, có hôm bị giật té xuống giường. Hàng xóm qua chỉ cách trị, bảo bắt thằn lằn cho tôi ăn sống. Một bữa tôi lại bị lên cơn, giật sùi bọt mép, ba tôi lính quýnh chạy đi tìm bắt thằn lằn. Bắt được một con, ba bỏ vào miệng nhai liền rồi bón cho tôi. Tình cha ấm áp như vầng thái dương, mặc dù gớm ghiếc khi phải nhai con thằn lằn, nhưng ba tôi vẫn cố, rồi sau đó chạy đi ói tới mật xanh.
    Trong xóm có ông Tư Thanh, cứ thấy tôi chạy chơi ngoài ngõ là đi tìm bắt thằn lằn rồi ra gọi:
  • Sĩ, Sĩ…Lại đây ông cho con thằn lằn nè.
    Tôi đã quen ăn thằn lằn sống nên chạy đến lấy, bỏ vào miệng nhai xì xực. Ông Tư ngồi nhìn, lúc lắc đầu cười, phất phơ mái tóc bạc:
  • Ngon hôn con?
  • Dạ không.
  • Vậy sao ăn chi?
  • Ba má nói ăn để chữa bệnh.
  • Con bệnh gì?
  • Dạ, bệnh kinh phong giựt.
    Ông chỉ làm bộ hỏi thôi chứ cả xóm ai cũng biết. Lối xóm qua nhà chơi ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thương. Có người còn bày má tôi, kêu mua con khỉ để chơi với tôi sẽ hết bệnh nhanh lắm. Má nghe lời, mua về con khỉ nhỏ, xích lại ở nhà sau, bảo tôi đến vuốt ve, bồng ẳm. Con khỉ con chắc nhớ mẹ nên mấy ngày đầu cứ kêu chí chóe, sau quen dần, bá đầu bá cổ tôi đùa giỡn. Chị Năm tôi ghét con khỉ lắm vì bảo nó ở dơ, tiêu tiểu tại chỗ hôi rình, thỉnh thoảng đi ngang lại đá nó một phát. Bởi vậy con khỉ cũng không ưa gì chị tôi, mỗi lần sút dây ra là chạy tìm chị tôi để cắn. Sau, má tôi thấy phiền phức quá nên đem cho luôn. Bệnh tôi cũng hết lúc nào không biết.
    Má có nhiều bà bạn hàng xóm nhưng thân nhất chỉ có bà Hai Mịn, nhà gần đầu hẻm. Bà cũng bỏm bẻm nhai trầu như má, xỉa thuốc nằm lệch một bên miệng, cục thuốc xỉa tròn tròn nhỏ nhỏ. Ông bà ta nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” quả thật đúng. Bà Hai vừa nhai trầu vừa nói. Má tôi cũng thế, tôi ngồi kế bên, nghe mùi trầu cay cay, mùi thuốc xỉa nồng nồng mà cũng đâm ghiền. Bà Hai hỏi:
  • Má con Hoa đi đâu mới về hả?
    Hoa là chị cả của tôi. Bà Hai thường gọi vậy cho thân mật. Má tôi đáp:
  • Mới đưa thằng này đi ông Tử đó chị.
  • Nó bị gì?
  • Ho, cảm. Mà vô đó nó có chịu nằm yên cho người ta chích đâu. Giãy nảy, la khóc om sòm. Rốt cuộc về luôn. Lát kêu cô Trâm qua chích cho nó một mũi.
    Ông Tử là bác sĩ, mở phòng mạch ngoài chợ, gần bùng binh, còn cô Trâm là y tá, làm cho ông. Nhà tôi có ai bệnh, nhẹ nhẹ, là má hay kêu chị Trâm qua chích thuốc. Có lẽ chị chỉ chích thuốc bổ như vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Chị Trâm chích không bao giờ đau. Chị cầm mũi kim bên tay phải, dùng tay trái vỗ hai cái bẹp bẹp lên mông rồi cắm kim vào. Rồi chị gắn ống thuốc vô và bơm một phát, một giây là xong. Chúng tôi không cảm thấy đau đớn gì, chích xong rồi mà vẫn không biết. Chị Trâm xinh đẹp lắm, nói năng lại dịu dàng nên chị em tôi vô cùng yêu quý. Nhà chị cách nhà tôi một con mương nhỏ, nhưng muốn qua phải đi vòng ra đường cái. Mỗi lần má tôi muốn kêu chị, cứ đứng bên này mương gọi vọng sang.
    Lớn thêm một chút, tôi thường ra khoảng đất trống, rộng rãi để chơi đánh trỏng, bắn bi với mấy đứa trong xóm. Thằng Thuận con của thím Ba Lòng chơi bắn bi vòng cực giỏi. Viên bi đặt giữa một cái vòng, dùng cây vạch nên, đường kính khoảng 2 mét. Nó chấm tay ngay đầu vòng, ngón tay kia cầm viên bi kẹp vào, cong lên bắn một phát trúng ngay đích. Viên bi nằm giữa văng ra ngoài, viên bi của nó thế chỗ, xoay tít. Thế là thắng luôn viên bi đó. Mấy đứa kia mỗi lần đang chơi thấy thằng Thuận ra đều nói:
  • Đủ người chơi rồi nhen.
    Thuận nài nỉ:
  • Cho tao chơi với.
  • Thôi, mày chơi giỏi quá ai chơi lại.
    Khoảng 2 giờ chiều có bà bán chè gánh vô xóm, rao:
  • Xé hai…ăn chè đậu tà hủ…
    Ý là: Chứ ai ăn chè đậu tàu hủ. Tôi nghe ra vậy nên ghi vậy. Chè đậu trắng của bà ngon khỏi phải nói, vị ngọt thanh, hạt đậu mềm mụp, beo béo. Má tôi dặn bà chúng tôi ăn bao nhiêu cứ bán rồi ra chợ ghé tiệm bánh mì của ba má lấy tiền.
    Còn một bà nữa chuyên bán chè bánh lọt, chị em tôi cũng hay ăn. Bà vô xóm khoảng 3,4 giờ. Bánh lọt của bà tự nhiên không nhuộm màu, nước cốt dừa béo thơm bá chấy. Một bữa có bà dì tôi ở Sài Gòn về chơi, đang nằm võng, nghe em tôi chạy vào la lên:
  • Bà bánh lọt té cầu rồi.
    Bà tôi nhỏm dậy:
  • Hả, gánh qua cầu bị té hả?
  • Dạ.
  • Kêu bả vào đây coi nào.
    Em tôi chạy đi, chút xíu dẫn bà bán chè vào. Quần áo bà ướt nhẽm, lấm lem bùn đất. Bà đưa ống tay quệt nước mắt, mếu máo không nói nên lời. Bà tôi hỏi:
  • Gánh chè của chị bao nhiêu tiền.
    Bà bán chè nhẩm tính rồi cho bà tôi biết. Bà tôi bảo tôi:
  • Lấy cái túi xách của bà để trong tủ đem lại đây.
    Bà tôi lấy tiền, đếm đưa cho bà bán chè:
  • Cho chị nè. Thôi đừng khóc nữa.
  • Dạ, bà cho nhiều vậy, tôi đâu dám lấy.
  • Lấy đi. Rồi về tắm rửa đi. Tội nghiệp quá.
  • Dạ, đội ơn bà.
    Bà dì tôi thương má tôi lắm. Hai dì cháu chơi với nhau từ nhỏ, bà hơn má tôi chỉ có một tuổi nên hai người coi nhau giống chị em. Bà luôn giúp đỡ má tôi, cho vốn làm ăn, nuôi chị em tôi ăn học. Năm 11 tuổi tôi đã lên nhà bà ở. Học lớp nhì rồi lớp nhất (lớp 4 và 5 bây giờ). Đến lúc thi vô đệ thất (lớp 6) bị rớt, tôi quê mặt với bạn bè nên trở về Bến tre học. Hai người chị và đứa em kế tôi cũng được bà đem lên Sài Gòn khi đã tốt nghiệp phổ thông. Bà như người mẹ thứ hai của chúng tôi.
    Chuyện thời thơ dại của tôi không biết kể đến bao giờ mới hết. Có điều, tôi toàn nhớ những chuyện vui. Dường như những chuyện gì buồn đã bị ký ức tôi đào thải.

(03-2-2021)

Chơi đánh trỏng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: