Có người bảo tôi:
- Sao ông cứ sống mãi với ký ức vậy? Nếu ông cảm thấy vui với nó thì cứ tiếp tục, tôi không cản. Còn nếu không thì hãy nghe tôi, trở về với thực tại.
Trời ạ, tôi có “sống” với ký ức đâu. Lại còn là “sống mãi” nữa chứ. Mà ký ức có buồn có vui. Nói “vui” với ký ức có vẻ phiến diện quá.
Thật ra tôi thường viết nhiều về chuyện xưa vì nó dễ viết, các sự kiện ngồn ngộn, các tình tiết dẫy đầy. Tôi có khả năng nhớ những chuyện từ năm 5, 7 tuổi, chỉ có điều, các nhận xét và phán đoán có khi sai lệch do tuổi nhỏ không nắm bắt được vấn đề. Như câu chuyện tôi viết về chị Năm của tôi, phải sửa lại vì sau khi chat với chị tôi mới nhận ra sự thật.
Nhưng viết về chuyện xưa hay chuyện nay, dễ hay khó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là gắn kết các sự kiện lại với nhau để đi đến một kết luận. Đôi lúc viết lan man, mãi mà tôi không biết làm sao kết thúc câu chuyện. “Mình muốn nói lên điều gì trong bài viết này”- đó là câu hỏi tôi thường đặt ra cho mình.
Ký ức thường tràn lan, vụn vặt nhưng bao giờ cũng có đầu có đuôi. Viết về ký ức tôi rất cố gắng mới có thể tìm ra được cái “đuôi” của câu chuyện, không bao giờ hư cấu.
Tôi không sống với ký ức mà chỉ thi thoảng hoài niệm về nó, những sự việc diễn ra trong quá khứ. Tôi vẫn có nhiều bài về chuyện thực tại, chuyện hôm nay chứ không hề chăm bẳm những chuyện cũ xưa. Người phê phán tôi như đã kể trên có lẽ vì quá yêu mến tôi nên mới có sự lầm lẫn đáng yêu ấy. Khi tôi phản bác, người ấy im lặng, bảo lưu ý kiến. Cho nên, để kết luận bài viết này, tôi muốn kể một câu chuyện, cũng là một phần ký ức, để chứng minh rằng: Đôi lúc ta nghĩ mình đúng, nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược:
Lúc mười ba tuổi, tôi có nhiều thơ và truyện đăng báo. Tôi cất cả chồng báo có bài đăng trong thùng giấy, bỏ vào ngăn lớn của tủ thờ. Hai người chị của tôi thường lục ra lấy báo xem. Tôi nghĩ họ muốn đọc bài đăng của mình nên bực khi họ không nói với tôi. Tôi viết một mảnh giấy bỏ trên thùng: “Người lịch sự không lục đồ người khác”. Hai bà chị viết miếng giấy khác, ghi :”Có gì mà phải ầm ỉ. Chỉ là lấy báo đọc thôi mà”. Họ giận tôi cả tháng, không thèm lấy báo xem nữa. Tôi đem chồng báo để vào tủ đồ của má tôi. Tủ có khoá, muốn lấy gì phải hỏi má. Một thời gian sau tôi mở tủ thì thấy chồng báo đã mất. Tôi hỏi má, má ngạc nhiên:
- Ủa, báo của con hả? Má đâu biết, đem lót đẻ cho chị hai mày hết rồi.
Tôi tá hỏa tam tinh, ngậm bồ hòn làm ngọt. Thì ra, tôi không nói, không ai biết những tờ báo ấy đăng bài của tôi. Hai bà chị tôi chỉ là lấy báo cũ đọc chơi, không phải để xem bài đăng. Tôi đã sai nhưng cứ nghĩ rằng mình đúng.
(28/6/2020)