

Tôi có vài bài viết về vợ tôi nhưng cảm thấy chưa đủ, còn thiếu nhiều. Kể sao cho hết những tình cảm cô ấy dành cho tôi, từ miếng ăn giấc ngủ, chuyện đi lại cho đến sinh hoạt hàng ngày. Có đôi lúc nhắn tin, gọi điện mãi mà không thấy tôi trả lời, cô ấy bỏ việc, tất tả chạy về nhà. Thì ra tôi để máy ở chế độ im lặng lúc ban tối, sáng ra quên mở.
Ngày tôi quyết định “dừng chân phiêu lãng” cũng là ngày cô ấy đến bên tôi. Quen nhau những bốn năm chúng tôi mới có cơ hội “nâng cấp” tình bạn. Làm nghề điện ảnh như tôi không có tuổi hưu, nhưng thật sự tôi đã về hưu từ giữa năm 2015. Có nhiều phim mời gọi nhưng vì quay xa nên tôi từ chối. Dường như tôi đã chán nghề rồi thì phải. Hơn ba mươi năm “chinh chiến” tôi thấy không còn gì để luyến tiếc.
Tôi chợt nhớ da diết những ngày cùng cô ấy lang thang phố đi bộ, khu Bùi Viện, quán cà phê, karaoke và cả khách sạn nữa. Rồi những ngày đưa đón không quản ngại gió mưa. Những cuối tuần về Bến Tre thăm má, đi Định Quán thăm mẹ. Biết bao nhiêu kỷ niệm đã gắn bó chúng tôi, để chúng tôi hiểu rằng không thể thiếu nhau, dù chỉ trong khoảnh khắc.
Chúng tôi sống với nhau gần ba năm, trước khi làm đám cưới trong Nhà thờ và tổ chức hai buổi tiệc đãi họ hàng thân thuộc và bè bạn. Càng ngày tôi càng cảm thấy mình nợ cô ấy một ân tình.
Phải chăng tuổi thanh xuân bao giờ cũng đẹp? Với ai thì không biết nhưng riêng với cô ấy, thanh xuân đồng nghĩa với nỗi cơ cực, gian khổ, cô đơn và quạnh quẽ. Nhưng bằng ý chí kiên cường cô ấy đã vượt qua.
Sống trong gia đình sáu chị em, cô ấy là con cả nên luôn là tấm gương cho các em noi theo. Cô khá kỹ tính, thích việc gì cũng phải hoàn hảo nên thường cực thân. Có điều, cô quá nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn nên sống nhiều cho tha nhân mà ít nghĩ đến bản thân. Thuở nhỏ, mới 8 tuổi cô đã làm ra tiền phụ bố mẹ. Lòng hiếu thảo của cô trải rộng, không thiên về bạc tiền vật chất. Chu toàn việc nhà, chăm sóc đàn em cũng chính là hiếu thảo. Cô có lòng thương người đôi khi quá mức, dễ bị lừa, nhưng cô cứ mặc. Cô cũng chẳng mong người lừa cô bị quả báo, lại còn biện hộ cho họ: “Kệ, chắc người ta cũng bí thế cùng đường rồi mới làm vậy”. Một tấm lòng nhân hậu hiếm thấy.
Tình thương của cô ấy dành cho mẹ, các em và con cháu là vô bờ bến. Suốt ngày cô ấy chỉ bận tâm xem mẹ ở quê đang làm gì, các em ra sao, con cháu thế nào. Ai bị chuyện gì cứ như là cô ấy đang gặp phải vậy, đôi lúc cuống cuồng hẳn lên. Tôi vẫn còn bị ám ảnh những lần như thế:
- Anh ơi, Tí nó bị té trầy cả chân tay.
- Nhót mới đi khám bác sĩ nói bị thiếu máu đó anh.
- Hổm rày mẹ cứ bị chóng mặt hoài, uống thuốc không bớt.
Tôi về làm con rể của mẹ, một bà mẹ cả đời tần tảo vì con. Tôi làm anh rể của 5 đứa em gái đã trưởng thành, hiền ngoan hết mực. Cả nhà ai cũng quý mến tôi, xem tôi như người thân ngay từ giây phút đầu tiên, chỉ vì một lẽ: thương cô ấy và mừng vì cô ấy đã tìm được hạnh phúc muộn màng.
Mỗi ngày tôi mỗi nhận ra, tình cảm quý mến mà gia đình cô ấy dành cho tôi là có thật. Ai cũng quan tâm đến tôi, nấu cho tôi từng bình nước khổ qua rừng, gắp cho miếng ngon trong bữa ăn, nhường chỗ ngồi, đùa vui thoải mái…
Giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má cô ấy trong buổi tiệc cưới. Và các em của cô cũng khóc. Ắt hẳn rằng ai cũng mong chị mình có được hạnh phúc viên mãn.
(10/7/2020)





