Ghi chép 

Chàng rể “ba trợn”

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Mẹ có năm chàng rễ. Khó biết được mẹ thương đứa nào nhất, dù mấy cô con gái thường la toáng lên: “Mẹ chỉ thương con rể, còn tụi con chỉ là con ghẻ thôi”. Nhưng theo nhận xét của tôi, chàng rể mà mẹ thương nhất chính là Vũ, chồng Hoa- đứa con gái thứ ba. Vũ tự nhận mình là “thằng rể ba trợn” và tôi cũng thấy Vũ “ba trợn” thiệt.

Tôi không biết Vũ đã làm những gì cho nhà mẹ trước lúc tôi trở thành rể vì không nghe ai kể lại. Cả nhà ai cũng coi sự đóng góp của mấy chàng rể là chuyện bình thường, như con cái làm việc nhà. Phần nữa là mấy đứa con rể của mẹ ai cũng siêng năng, đứa xây nhà, đứa làm điện, lợp mái, đứa sửa chữa đồ đạc trong nhà từ cái quạt máy đến đóng tấm vạc giường…nói chung không phải tốn tiền cho thợ. 

Rồi tôi về làm rể, vì sức khỏe kém, mắt mũi kèm nhèm và không quen lao động chân tay nên “bị loại ra khỏi vòng chiến”, chỉ còn biết phụ trách “chơi với mấy đứa nhỏ”. Từ lúc ấy tôi mới nhận ra Vũ là người thường xuyên làm “rể phụ” tức là chuyên phụ làm các việc nặng nhọc trong nhà. 

Vũ có tiệm sửa xe ngoài đường cái, cách nhà mẹ khoảng 300 mét. Khi mẹ cần, Vũ sắp xếp nghỉ làm để vào phụ giúp. Khi thì đi chở củi, cưa xẻ, chặt củi để dành nấu bếp, chở phân chuồng về cho mẹ bón rau, lúc lại phụ xây nhà tắm, phát quang quanh vườn, sửa điện, phụ đổ bê tông sân nhà…Nói chung Vũ làm hết những chuyện nặng nhọc, những việc cần có chuyên môn, tay nghề. Điều đáng quý, đáng trân trọng ở Vũ mà tôi cảm thấy cần học hỏi, đó là thái độ làm việc. Vũ làm tất cả với sự bình thản, tận tâm, không hề có chút gì bực bội. Sau nhiều lần tôi mới nhận ra được điều đó.

Vũ tự nhận mình ba trợn, chẳng qua do hay chọc ghẹo, đùa giỡn với mẹ. Chẳng hạn như khi mẹ nhờ “coi dùm cái bình lọc nước uống sao nó bị nghẹt” thì Vũ nói liền: “Ok, năm chục ngàn nha”. Vũ hay đùa, qui công việc ra tiền. Mẹ cũng biết vậy nên trả lời: “Rồi, năm chục thì năm chục”. Tính Vũ thẳng thắn nên cũng thường “ba trợn” góp ý cho cả nhà khi cảm thấy có điều gì đó không bình thường, trái khoáy. Vũ hay nói kiểu nửa đùa nửa thật nên không ai phiền hà, giận dỗi. 

Tôi nhớ mãi chuyện Vũ mua xe đạp điện cho mẹ. Chiếc xe cũ nhưng còn tốt. Vậy là mẹ “lên đời” khỏi đạp chiếc xe cà rịch cà tàng nữa. Vũ nói: “Thấy mẹ mỗi ngày đi công việc, đi lễ Nhà thờ mà cứ đạp xe lọc cọc thấy tội quá. Có chiếc xe đạp điện kia bán hai triệu thế là em chộp luôn”. Hoa vợ Vũ chắc là người cảm động nhất khi thấy chồng mình lo cho mẹ, vì hai triệu đồng không phải là con số nhỏ. Vũ thường nói với tôi: “Em thương bên vợ lắm. Ít có gia đình nào được như vậy. Con cái đề huề, hiếu thảo. Đứa nào cũng biết lo cho gia đình, cho mẹ”. 

Tôi cũng có nhận xét giống như Vũ. Thế gian này, đi tìm một gia đình như gia đình mẹ sẽ cực hiếm. Cả nhà thuận thảo, yêu thương nhau một lòng. Mẹ thì nghèo, các con cũng không ai khá giả. Chúng tôi hay đùa, nói: “Nhà em không thiếu một thứ gì, chỉ có thiếu…nợ”. Nhưng có một điều thật đáng yêu: Nếu có ai đó lỡ nợ nần thì các chị em sẽ gồng gánh cho nhau. Vũ biết vợ mình cũng hay “gồng gánh” như thế nhưng cứ để mặc, vì tin vợ, thương các chị các em. Nói đúng hơn là Vũ hiểu vợ mình luôn biết tằn tiện, biết phân biệt chuyện gì nên làm, chuyện gì không. 

Coi chàng rể ba trợn vậy chứ không bỏ một buổi lễ Nhà thờ nào, bữa nay không đi được thì mai đi bù. Nếu ai biết được sẽ rất ngạc nhiên, vì Vũ chỉ là “đạo theo” chứ không phải “đạo gốc”. Nhà có mẹ và Vũ là năng đi Nhà thờ nhất. Hoa thì khỏi nói, vì là thành viên trong Ca đoàn Nhà thờ. Vũ cũng hay dẫn Bo- đứa con trai 5 tuổi đi lễ. Thằng bé thật ngoan, hứa 5 giờ sáng đi lễ với ba là thức đúng giờ. Nay lớn rồi, hiểu biết nhiều rồi nên trả lời các câu hỏi của các dượng dì rất chọn lọc, chứ hai ba năm trước ai hỏi “khoái ba hay khoái mẹ” là đáp liền “khoái ba”. Hỏi tại sao thì nói: “Tại ba có chiêu, còn mẹ không có chiêu”. Chiêu của Vũ là kể chuyện Bo nghe khi dỗ ngủ và cả lúc đút ăn. 

Nghề sửa xe giúp Vũ nuôi cả gia đình. Thỉnh thoảng Vũ lại dành ra toàn bộ thu nhập trong một ngày để cho những người nghèo, cơ nhỡ. Có thể nói nhà Vũ rất chăm làm từ thiện. Người ta thường nói sống kiểu như Vũ khó giàu, nhưng Vũ lại có quan niệm khác: “Người biết ĐỦ là người giàu có và hạnh phúc nhất”.

(30/6/2020)

Related posts

Leave a Comment