Bà Tám của tôi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Năm 1978 tôi đang học trường đại học kinh tế, ở với bà dì mà tôi gọi là bà Tám. Nhà bà dì tôi ở quận 5, đúc ba tấm gồm hai tầng và sân thượng. Nhà còn có vợ chồng chị Năm của tôi cùng cháu bé ba tuổi và bà Ba, chị bà con của bà Tám. Bà Ba ở với bà Tám đã mấy mươi năm, lo chuyện bếp núc trong nhà. 

Tháng ba năm đó nhà bà Tám tôi bị kiểm kê, đóng chốt do chiến dịch đánh tư sản công thương nghiệp. Người trong nhà mỗi khi ra ngoài đều bị giám sát. Bà tôi vì đau buồn quẫn trí nên bỏ nhà đi. Nhưng tôi biết bà ở đâu vì trước khi đi bà có cho tôi biết. 

Một hôm anh rể tôi kêu tôi lại và nói:

  • Anh lấy cái radio Telefunken của bà Tám bỏ vô bao đen máng trên xe của anh. Để anh canh thằng đóng chốt, nói chuyện với nó rồi em dắt xe ra ngoài, đem đưa cho bà Tám nhé. Bà thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu cái radio. 

Tôi làm y như anh nói, qua mặt được “thằng chốt”, chạy một mạch qua nhà bạn của bà Tám. Bà tôi cầm chiếc radio mà mắt rưng rưng ngấn lệ. 

Rồi má tôi lên. Má tôi ở Bến Tre nghe tin dì mình bỏ nhà đi liền tức tốc lên Sài Gòn. Bà Tám gặp má tôi liền oà khóc, không nói được lời nào. Má tôi vỗ về:

  • Dì yên tâm đi. Có tui đây, không ai dám ăn hiếp dì đâu. 

Quả thật đúng như vậy.

Những ngày sau đó má tôi dẫn bà dì tôi đi gặp Uỷ ban thanh tra để kiện. Tại Uỷ ban người khiếu nại đông như kiến. Đơn má tôi đã nộp nhưng khi nào tới lượt thì chỉ có trời biết. Ngày nào hai dì cháu cũng dắt dìu nhau đến Uỷ ban hối thúc và…chờ. May sao, được một tuần thì má được gọi vào gặp sếp. Ông sếp đọc lá đơn xong, lắc đầu chép miệng:

  • Lại đánh nhầm đối tượng nữa!

Rồi ông viết một lá thư, niêm phong cẩn thận, giao cho má tôi bảo đem về đưa cho bí thư phường. Dọc đường trời mưa, má tôi lỡ làm ướt phong thư nên sẳn đó mở ra xem. Tóm tắt ý chính trong bức thư là Uỷ ban thanh tra yêu cầu phường dỡ ngay lệnh kiểm kê, trả lại nhà cho đối tượng bị đánh nhầm. Má tôi mừng quá, bảo bà dì tôi:

  • Hên quá. Được cứu rồi. Nam mô a di đà Phật. 

Hai người đóng chốt rút đi, bà tôi trở về nhà. Bà phát hiện một số đồ quý giá đã bị mất, nhất là những bộ áo dài, áo kiểu đắt tiền. Má tôi an ủi:

  • Thôi, của đi thay người, dì đừng buồn nữa. 

Bà Ba xin về quê sống với con cháu. Vợ chồng chị Năm cùng cháu bé cũng ra đi. Xong việc rồi má tôi cũng trở về quê nhà lo mua bán. Nhà chỉ còn hai bà cháu, bà Tám và tôi. 

Tôi nhớ có một hôm bà tôi kêu tôi đi chợ mua thức ăn. Bà hỏi:

  • Con biết đi chợ không đó?

Tôi rụt rè:

  • Dạ, con đi được mà.

Đó là ngày đầu tiên trong đời tôi đi chợ. Tôi mua củ cải trắng và da heo để kho, cải bó xôi nấu canh. Tôi tưởng bà tôi sẽ nấu ăn, không ngờ bà nói:

  • Con làm luôn đi. Biết làm hôn?
  • Dạ, chắc được mà. 

Thật ra tôi đã nhìn thấy má tôi và bà Ba làm món này rồi, có điều là kho với thịt. Giờ đây bà tôi đã nghèo rồi nên tôi chỉ mua da heo. Bữa cơm dọn lên mà tôi liếc thấy bà tôi cứ tủm tỉm cười hoài khiến tôi hơi chột dạ. Không ngờ mới gắp một đũa, bà tôi đã buột miệng kêu lên:

  • Trời ơi, ngon quá. 

Tôi cũng ăn thử một miếng và cảm thấy “đúng là ngon thiệt”. 

Hôm sau bà tôi lại biểu tôi đi chợ tiếp. Lúc ngồi vào bàn ăn, bà tôi chợt bụm miệng cười, chừng như không kìm lại được:

  • Da heo kho củ cải nữa hả con? Ha ha…

Tôi nhìn bà tôi mà lòng dâng lên một cảm giác bồi hồi khó tả. Mái tóc bà đã lộ ra nhiều sợi bạc vì đã lâu không nhuộm. Bà gầy đi nhiều sau mấy tháng bỏ nhà đi ăn nhờ ở đậu. 

Bà Tám của tôi chính là đại ân nhân của gia đình tôi, cưu mang cả một đàn con của ba má, giúp vốn cho ba má tôi mua bán. Mỗi lần cứ thua lỗ, thâm vốn là má tôi lại lặn lội từ Bến Tre lên Sài Gòn để gặp bà Tám tôi mượn tiền. Bà rất thương má tôi vì hai người chơi thân nhau từ lúc bé. Bà chỉ hơn má tôi một tuổi. 

Vì không có con cái, bà xin đứa con gái đầu lòng của ba má tôi làm con nuôi. Nói con đầu lòng nhưng thực ra lúc đó má tôi sinh đôi, một trai một gái. Hai năm sau đứa con trai cứ bệnh miết, đôi chân rất yếu đi lại khó khăn. Có người bảo hai đứa sanh đôi không thể chia cắt nên má tôi cho dì luôn đứa con trai. 

Tôi nhớ có năm má tôi bị giật hụi, hết cả vốn mua bán nên bảo ba tôi lên gặp bà để mượn tiền. Mang tiếng mượn nhưng bao giờ bà tôi cũng cho luôn, không phải trả. Ba tôi là người Hoa, sang Việt Nam mấy chục năm rồi nhưng nói tiếng Việt một số từ còn lơ lớ. Ba lại ít nói, chỉ khi gặp bạn đồng hương nói chuyện mới cởi mở. Do vậy ba lên Sài Gòn giống như chỉ để thăm tôi, suốt cả ngày ngoài câu chào ra không hề nói với bà tôi câu nào về chuyện mượn tiền. Chắc bà tôi thừa biết nhưng cũng để thử xem ba tôi sẽ làm gì. Đến sáng ra, ba tôi chuẩn bị về, đến chào bà, bà hỏi:

  • Tài phú lên mượn tiền phải không? Sao giờ về mà còn chưa nói nữa?

Tài phú là biệt danh của ba tôi khi làm việc cho hãng xà bông, chỉ người giữ sổ sách và tiền bạc của công ty. 

Ba tôi vẫn tỉnh queo:

  • Dì biết mà, tui đâu cần nói chi.

Bà tôi cười ha hả, kêu ba tôi chờ đó để vào lấy tiền. Ba tôi chỉ nói “cảm ơn” cộc lốc rồi từ giã ra về. Bà Tám tôi vốn quá hiểu ba tôi, thường nói với cả nhà:

  • Tài phú nó thương vợ thương con dữ lắm đó. 

Bà Tám tôi rao bán căn nhà mãi mới có người mua, vì nghe nói giấy tờ phức tạp. Sau đó bà mua một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Ngô Quyền. Ba tôi mất rồi, má tôi lên ở với bà và mấy đứa cháu. Bà cũng đem chị, là bà ngoại tôi ở Bến Tre lên chăm sóc. Cuộc sống lại bước sang trang mới nhiều khó khăn nhưng tôi thấy bà vui hơn trước. 

(10/5/2020)

Má tôi, bà ngoại và bà Ba

Má và bà Tám

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: