Anh Chính bồ câu

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Ở cùng chung cư, anh Chính lầu 2, tôi lầu 3. Anh có biệt danh là Chính bồ câu vì trước đây anh nuôi chim bồ câu để bán. Lúc đó anh đang làm cho xưởng hoạt hình của hãng phim. Anh là họa sĩ tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng. 

Cho đến một ngày, anh Chính bồ câu quyết định nghỉ hãng phim. Mọi người trong chung cư ai cũng ngạc nhiên khi thấy anh nấu sữa đậu nành bỏ mối. Sữa anh nấu rất ngon, nhiều người khen. Được một thời gian, anh nhượng nghề lại cho anh bạn ở cùng tầng lầu, chuyển sang nấu lẩu dê bán dưới cổng chung cư. Việc kinh doanh ăn uống của anh không tiến triển tốt nên anh lại nghỉ. 

Một thời gian sau, người ta thấy anh ngồi nhà nắn con cọp, con cò, hai ông tiên đánh cờ…bằng dầu hắc rồi sơn phết lên trông rất giống và đẹp. Đó là các thứ người ta mua về chơi tiểu cảnh. Anh đem bỏ mối ở các điểm bán cây cảnh, hòn non bộ, chủ hàng rất thích, đặt nhiều khiến anh làm không kịp. 

Một hôm đang ngồi cà phê anh hỏi tôi:

  • Ông muốn làm thêm không?
  • Làm gì anh?
  • Tôi dạy ông làm con cò bay, cò đậu.
  • Ủa, anh đang làm mà.
  • Tôi còn làm nhiều thứ khác nữa nên nhượng con cò lại cho ông làm.
  • Nhưng tôi đâu biết làm.
  • Tôi sẽ chỉ ông mà, lo gì.

Vậy là anh Chính bỏ công dạy tôi làm cò. Trước tiên là con cò đậu. Vật liệu là bếp dầu, nồi nhỏ, thau nước, dây đồng. Nguyên liệu là dầu hắc, sơn trắng, sơn đỏ, vài tấm mốp. Dây đồng cắt ra, quấn lại làm sườn cò. Dầu hắc đun chảy, lấy que vít lên cho bám vào sườn rồi nhúng nước cho nguội và nan thành con cò đen nhánh. Tôi lên nhà ngồi làm, đến chừng thấy “được được” thì sai thằng con đem xuống cho anh Chính coi. Một lúc thằng nhỏ chạy lên nói: “Ba ơi, bác Chính nói này là con vịt chứ không phải con cò”. Vậy là tôi phải tiếp tục làm nữa. Đến 10 giờ đêm tôi còn ngồi nắn tới nắn lui, chợt nghe tiếng gõ cửa. Thì ra anh Chính lên thăm chừng. Thấy tôi vẫn còn làm, anh cười nhẹ:

  • Trời, giờ vẫn còn ngồi nắn cò hén.

Tôi đưa con cò mới chỉnh sửa lại cho anh xem, anh kêu lên:

  • Ôi, được rồi nè. Giống lắm rồi. Mai ông làm 50 con tôi đi giao nhé.

Hôm sau, ráng từ sáng sớm đến 3 giờ chiều tôi mới làm được 50 con cò, nhúng sơn trắng, kẽ mõ và hai chân màu đỏ rồi cắm lên tấm mốp phơi. 5 giờ anh Chính kêu giao hàng. Anh chạy xe máy đi khoảng một tiếng thì về, cầm 50 ngàn đưa tôi. Tôi cám ơn anh rối rít, nghe đôi mắt cay cay. Anh khen: “Ông giỏi lắm”. 

Tiếp đến anh chỉ tôi làm con cò bay. Dùng sợi đồng nhỏ và dài, anh thắt rất điệu nghệ, làm tới làm lui nhiều lần cho tôi nhớ. Anh nghĩ ra cái sườn cò bay này thật tuyệt. Tôi làm hoài không được. Anh bảo:

  • Ông kêu thằng nhỏ xuống đây tôi chỉ nó.

Con tôi xuống học một loáng là xong. Từ đó nó phụ trách luôn việc làm sườn cò bay. Học bài xong ngồi thắt, thắt xong lại học. Nhiều khi sắp đi học rồi còn ngồi thắt cho xong 50 cái sườn. Năm đó con trai tôi mới 13 tuổi, học lớp 7. 

Có lần anh Chính nói với tôi:

  • Dạy làm cò bay cò đậu, học phí phải là 4 chỉ vàng lận đó. 

Một hôm có thằng bạn ở lầu 5 xuống gặp anh Chính đòi học nghề làm cò. Anh Chính ướm thử:

  • 4 chỉ vàng lận đó.
  • Ok luôn anh. 
  • Nhưng tôi truyền nghề cho thằng Sĩ rồi. Ông thử hỏi nó đi. 

Tôi biết anh Chính có ý “bán cái” nên khi thằng bạn hỏi, tôi từ chối:

  • Nghề này anh Chính dạy tôi. Giờ tôi đâu thể nào dạy người khác được. 

Tôi hành nghề “làm cò” một thời gian khá lâu, thu nhập đủ cải thiện đời sống. Dần dần anh Chính để tôi tự đi bỏ mối. Đến một lúc hàng tiêu thụ hơi chậm, tôi xem lại mới biết đang bị cạnh tranh, không còn độc quyền như trước nữa. Hàng người ta làm là đồ đúc khuôn, cho ra hàng loạt chứ không phải bằng thủ công như tôi, giá cả lại rẻ bằng nửa của tôi. Những thứ của anh Chính làm như con hổ, ông tiên câu cá, hai ông đánh cờ…thì tỉ mỉ, nghệ thuật khó đổ khuôn nên vẫn bán chạy. Tôi làm thêm một thời gian nửa thì nghỉ. 

Anh Chính ôm ấp nhiều hoài bão, nhưng cuối cùng đều không thành. Làm đồ chơi hòn non bộ, với anh chỉ là giải pháp tình thế. Anh là người thẳng thắn nhưng tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Nhớ có lần chở tôi đi mua dây đồng và dầu hắc, anh bảo:

  • Tôi định truyền hết nghề cho ông để sang kinh doanh lãnh vực khác. Nhưng chắc ông không làm nổi. Làm nghề này phải có hoa tay mới được.

(31/7/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *