

Càng ngày tôi càng sống bớt phức tạp hơn, vô tư và bình thản, sôi nổi và chân thành hơn. Tôi thường quên nhanh những nổi buồn vô cớ, tìm ra những niềm vui thầm kín. Cuộc sống chừng như đáng sống hơn, trãi dài trên những con đường lạc quan mới mẻ.
Tôi nhớ từ lúc đứa cháu nội chào đời đến nay đã một tuổi rưỡi, tôi chỉ đến thăm cháu được ba lần, một lần lúc mới sinh, lần sáu tháng và lần một tuổi. Từ quận 9 đi quận 6 cũng đâu xa xôi gì mấy, nhưng tuổi tác khiến tôi cảm thấy lo lắng khi phải chạy đường dài. Lắm lúc tôi thấy phục những người trẻ, chạy xe máy đi từ Sài Gòn về Bến Tre hay đi Định Quán. Vừa rồi em cột chèo tôi còn chở vợ từ Gia Canh về Thạnh Phú thăm bà nội. Hai vợ chồng đứa em vợ tôi thì thường xuyên từ Long Thành về Gia Canh- Định Quán. Tuổi trẻ thật sung sức. Không đến thăm được hai đứa cháu thường xuyên, những khi nhớ ra tôi vô cùng ray rứt. Không biết con trai và con dâu tôi có thầm trách tôi không, chứ tôi luôn tự trách mình. Thỉnh thoảng con dâu tôi lại gởi hình và clip quay ku Tủn cho tôi xem. Khi ấy lòng tôi vô cùng ân hận. Lúc xưa còn ở quận 7, tôi thường đến thăm cháu gái. Giờ có thêm đứa cháu trai tôi lại gần như thờ ơ, mặc dù sự thật không phải thế. Nhìn những tấm ảnh, những video clip của ku Tủn thấy mà thương. Mà xót. Rồi tôi tự hứa với lòng rằng, qua cơn đại dịch này rồi tôi sẽ đến thăm cháu thường hơn.
Tuy vậy, hiện tại tôi cũng có thể đi xa nếu có vợ cùng đi. Cô ấy sẽ bù đắp cho lòng tự tin và đôi mắt cận của tôi. Do vậy, tôi cũng không có mặc cảm về chuyện này. Tôi cũng còn trẻ chán, phải không? Ha ha…
Sự lạc quan giúp cho bệnh tật thuyên giảm thấy rõ. Tôi nhớ có lần mua cái máy đo huyết áp về cứ đo hoài, chỉ số cứ tăng làm tôi lo lắng. Càng lo, huyết áp càng tăng. Lúc đi khám, tôi đưa cho bác sĩ mảnh giấy ghi chỉ số huyết áp những lần đo, bác sĩ xem rồi nghiêm giọng:
- Ông bỏ cái máy đo huyết áp đó qua một bên đi.
Theo vị bác sĩ này, yếu tố tâm lý đã làm cho huyết áp của tôi tăng. Ông chỉ ra toa có một loại thuốc bảo uống trong ba ngày. Tôi về, chỉ mới uống 1 viên thôi đã khỏe.
Nói thì dễ, nhưng muốn bỏ qua những lo lắng không đâu thì cần phải tập. Mỗi ngày được một chút. Thành công bước đầu sẽ là niềm khích lệ cho những bước sau.
Tôi luôn tự kỷ ám thị rằng “Hãy sôi nổi lên” để khuyến khích bản thân sống vui hơn, máu lửa hơn, vì chung quanh tôi toàn là người trẻ. Vợ tôi cũng thế, nhỏ hơn tôi gần ba chục tuổi. Về sau này khi má tôi mất đi, tôi hầu như sống hết cho bên vợ. Tuần nào vợ chồng tôi cũng về nhà mẹ. Ở đó tôi có những đứa em vợ và em cột chèo, người nào cũng trẻ.
Tôi cũng đã sống qua thời tuổi trẻ. Cũng đã từng sôi nổi, vô tư và bình thản. Giờ đây sống lại như thế không có gì là không thể. Vì sôi nổi không có nghĩa là gấp gáp, vô tư không phải là vô tâm và bình thản chứ không phải là “bình chân như vại”.
(16/4/2020)