Nghề làm phim

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về nghề nghiệp của tôi- chủ nhiệm đoàn làm phim, một nghề mà ai ở ngoài nhìn vào cũng thấy thật oai, thật hách vì làm trưởng đoàn của cả một nhóm 5,7 chục con người ta. Nói theo từ chuyên môn, chức danh chủ nhiệm nằm trong bộ tứ thành phần chủ yếu: Đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế và chủ nhiệm. 

Nghề chủ nhiệm phim của tôi khá vất vả, không phải cứ tốt nghiệp đại học kinh tế hay tương đương rồi là được nhận làm. Mà dù cho có được làm rồi thì cũng không…làm được. Kinh nghiệm hiện trường là điều phải có, phải trãi qua. 

Tuy khó nhọc nhưng may phước là dưới tay vị chủ nhiệm còn có nhiều chức danh khác giúp sức: kịch vụ, trợ lý và cấp phó. Điều còn lại mà tôi đã làm tốt để trở thành chủ nhiệm kỳ cựu chính là biết phối hợp, sắp xếp, phân công hợp lý và đặc biệt là có khả năng ngoại giao. 

Thi thoảng mấy chú trợ lý có người muốn phấn đấu để được làm chủ nhiệm, hay tranh thủ học hỏi tôi. Tất nhiên tôi cũng chẳng giấu nghề làm gì, luôn chỉ dạy cho em cháu. Nhưng thấy đứa nào lanh lẹ, giao tiếp tốt tôi mới chủ tâm bồi dưỡng. Tôi nhớ có chú trợ lý nọ vừa có ngoại hình, vừa biết cách ăn nói. Ngoại hình ở đây không có nghĩa là người mẫu, là hotboy mà là có tầm thước vừa đủ xài, chững chạc, ra vẻ lãnh đạo càng tốt. Biết ăn nói nghĩa là phải từ tốn, lễ phép, lịch sự, am hiểu luật pháp nói chung. Tôi đã thử kiểm tra kiến thức chú trợ lý ấy và thấy chấp nhận được. Mỗi lần tôi nhờ chú photo giấy phép, quyết định làm phim…tôi thấy chú luôn sao cho mình một bộ. Sai đi báo công an phường, quận để xin phép quay chỗ này chỗ nọ, chú ấy đều làm tốt. Vậy nên tôi quyết định dành cho chú trợ lý ấy của tôi một cơ hội.

Cơ hội ấy đến rất sớm khi tôi phải cùng một lúc làm bộ phim truyền hình 30 tập và một mẫu phim quảng cáo. Tôi đi chọn cảnh cho phim truyện, giao chú trợ lý làm “quyền” chủ nhiệm, dẫn đoàn phim quảng cáo đi quay. Sáng hôm đó, khoảng 8g, tôi đang ở Củ Chi thì chú trợ lý điện:

  • Anh ơi, em xin phép công an phường rồi mà họ không cho quay. 

Tôi giật mình, ngạc nhiên:

  • Sao không cho? Em đang ở đâu?
  • Dạ em đang ở công an phường nè anh.
  • Cho anh nói chuyện với sếp nhé.

Chú trợ lý chuyển máy, tôi chào sếp:

  • Alo, chào anh! Tôi là chủ nhiệm đoàn phim đây ạ. Trợ lý của tôi báo đã trình giấy phép rồi nên chúng tôi cứ quay anh nhé. 

Đầu dây bên kia từ tốn:

  • Vâng, các anh cứ quay đi nhé, chứ hôm nay chúng tôi không có người ra hổ trợ các anh được đâu nhé.
  • Dạ, cám ơn sếp.

Đó là ngày “ra nghề” của đệ tử tôi. Thì ra chú ấy kết hợp vừa xin phép quay vừa xin công an cho người ra giúp “bảo vệ hiện trường”. Còn ông sếp công an phường trả lời “Không được!” thì có nghĩa là không có đủ nhân lực để hổ trợ giúp đoàn phim. Hôm sau khi gặp mặt, chú trợ lý vừa cười vừa nói: “Em nhớ là anh có dạy: Khi xin phép địa phương để quay phim, muốn cho dễ dàng thuận lợi và kinh phí cho phép, mình cứ kết hợp xin người giúp giữ an ninh trật tự điểm quay”. 

Lần khác, có chú trợ lý khác cũng ham thích nghề chủ nhiệm, được tôi giao phụ trách bối cảnh quan trọng của bộ phim, đó là một công ty lớn. Hôm ấy tôi cũng bận việc “chạy show”, đi họp duyệt kịch bản cho phim quảng cáo Mì ăn liền. Đến giữa trưa trên đường tôi đang về đột nhiên chú trợ lý điện, giọng lo sợ, gấp gáp:

  • Anh ơi, quay từ sáng đến giờ suôn sẽ lắm. Ai dè mới đây ông giám đốc công ty bảo đoàn tạm ngưng và đuổi ra hết”.
  • Trời, sao vậy?
  • Dạ tại…em…

Tôi về gấp điểm quay, không hỏi gì thêm. Lúc gặp ông giám đốc bị ổng la cho một mách, tôi chỉ biết xin lỗi rối rít và hứa cho chú trợ lý nghỉ việc. Chờ giám đốc hạ hỏa tôi mới năn nỉ ỉ ôi xin được quay tiếp. Hiểu được khó khăn của đoàn phim, ông bằng lòng và nói thêm: “Làm phim khó nhỉ, đổi địa điểm khác là phải quay lại hết những cảnh từ sáng đến giờ”. 

Lý do đoàn phim bị đuổi ta hãy nghe chú trợ lý kể: 

  • Lúc công ty nghỉ trưa, ông giám đốc xuống đứng xem đoàn quay. Tại ổng mặc áo thun ba lỗ nên em tưởng nhân viên nào đó chứ đâu ngờ là ông giám đốc. Ổng lỳ lắm, em mời ổng ra chỗ khác, không được đứng gần điểm quay mà ổng cứ xớ rớ ngay đó hoài. Một lát, bực quá em mới la ổng. Lúc đó ổng bỏ đi một nước. 5 phút sau ông trưởng phòng hành chính đến gặp em, bảo giám đốc không cho quay nữa, kêu đoàn phim biến gấp. 

Có một chuyện vui nhưng “hú hồn” nữa cho thấy nghề làm phim lúc nào cũng sẳn sàng đương đầu với bất trắc. Lúc đó tôi đang làm chủ nhiệm của bộ phim sít-com đến 70 tập. Có bối cảnh kia quay xong về dựng thì phát hiện ra hư hai cảnh. Tôi kêu anh phó chủ nhiệm liên hệ lại chủ nhà xin quay 3 tiếng buổi sáng. Lúc xong việc anh phó kể:

  • Em đến thì gặp bà chủ nhà, nói chuyện hồi lâu mà bả cứ nhất định không cho quay, viện đủ lý do. Em lo quá chừng. May phước có chồng bả về, ổng cười cười hỏi em: “Ủa, phim quay xong rồi đến cám ơn hả?”. Em bám lấy ổng liền: “Dạ không chú ơi. Quay bị hư mấy cảnh nên đến xin quay lại. Mà quay chừng 2 tiếng hà chú. Nhưng nãy giờ năn nỉ mà cô không cho”. Ông chủ lại cười hà hà với bà chủ: “Thì em muốn lấy phí bao nhiêu nói đoàn phim người ta trả cho”. Bà chủ quay sang em, ngần ngừ: “Quay vậy phải trả cho cô…300 nghìn đó nha”. Em mừng quá đồng ý liền, vì anh có dặn trước là khoảng 500 là được. 

Tôi cười phá lên: 

  • Phải bà chủ hỏi em muốn trả bao nhiêu là bả được thêm 200 rồi. Ha ha.

Thế đấy các bạn, nghề chủ nhiệm phim nói riêng và làm phim nói chung luôn vất vả và gặp nhiều sự cố. Kỳ tới tôi sẽ kể tiếp các bạn nghe về đề tài này nữa nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: