

Tôi dùng từ “mẹ” để gọi mẹ vợ tôi vì từ lâu tôi đã xem bà như mẹ ruột.
Mẹ có 6 đứa con gái, theo thứ tự là Huế, Hà, Hoa, Hồng, Thu, Thảo. Thu tên ở nhà là Xíu, Thảo được gọi là Út. Nhân khẩu biến động khi Xíu đi làm ở Malaysia, Út lấy chồng lên Sài Gòn làm việc. Huế, vợ tôi thì đi làm ở Sài Gòn, Hà ở cách mẹ 4 km, Hoa ở cách 1km, Hồng thì đi dạy học ở Long Thành. Tuy vậy, cứ cuối tuần là tất cả lại tụ họp về với mẹ.

Mẹ tôi bận việc suốt ngày. Hết chăm vườn rau, rẫy bắp lại lo bầy gà vịt, nấu cháo cho chó ăn. Sáng mẹ hái rau ra chợ bán một chút thì về. Rồi thì là đem lúa đi xay, chở gạo về, cắt khổ qua rừng đem phơi, sàng đậu…Ngày nào cũng có việc để làm, ít khi nào rảnh tay. Mới 4 giờ sáng mẹ đã thức, 5 giờ đi bộ thể dục với mấy bà bạn, chủ nhật thì trước 5 giờ mẹ đã đạp xe đi dự Thánh lễ. Mẹ còn thường đi Cầu Kinh cho các gia đình có tang lễ, giỗ chạp.
Gà mẹ nuôi mấy chục con để dành cho những ngày giỗ, lễ tết chứ không bán. Hôm nào không đi chợ, không có gì ăn thì bắt một hoặc hai con gà làm món. Thỉnh thoảng mẹ lại làm gà cho chúng tôi mang đi. Ở Sài Gòn ít khi được ăn gà ta nên chúng tôi rất quý. Gần đây gà hay bị bệnh dịch nên mẹ không nuôi nữa, trong chuồng chỉ còn đôi ba con vịt và ngỗng.
Vợ tôi và mấy đứa em ai cũng gởi con cho mẹ chăm. Ku Nam, con riêng của Huế, năm nay 15 tuổi, ở với bà ngoại từ lúc hơn một tuổi, ku Heo là con của Hà, năm nay 9 tuổi cũng sống với ngoại từ nhỏ. Ku Bo 5 tuổi con của Hoa, ku Tí 3 tuổi con của Hồng cũng một tay mẹ chăm sóc. Sau này thêm bé Nhót con gái út của Hà, nay đã gần 3 tuổi và mới đây là ku Bi, con của bé Út mới làm đầy tháng xong.
Nhớ những lúc Tí bệnh, nhà không có ai, mẹ phải đưa đi bệnh viện huyện để khám. Vài lần Tí bị viêm họng, viêm phổi, mẹ phải dẫn cháu lên tận bệnh viện Nhi đồng, có Hồng từ Long Thành lên chờ sẳn. Xong rồi bà cháu dắt díu nhau về lại Gia Canh- Định Quán. Nghĩ mà tội và thương mẹ biết bao.
Dù bận trăm công ngàn việc mẹ tôi vẫn chăm sóc các cháu chu đáo, tận tâm để mấy đứa con gái yên tâm làm ăn. Mẹ chính là bóng mát bao phủ gia đình, là suối nguồn yêu thương của con cháu.
Thấy bé Nhót cầm trái chuối ăn ngon lành, tôi ôm bé vào lòng, cười hỏi:
- Nhót ăn gì đó?
- Ăn chuối.
- Chuối ai cho?
- Bà ngoại.
- Nhót thương ngoại hôn?
- Thương!
Lát sau thấy Tí ăn phô mai, tôi lại hỏi:
- Ai cho Tí phô mai đó?
- Dạ bà ngoại.
- Thương ngoại hôn?
- Thương ngoại!

Mẹ tôi hay bị chóng mặt, bác sĩ nghi bị rối loạn tiền đình, cho thuốc uống. Tôi mua cho mẹ hộp thuốc thực phẩm chức năng, mẹ nói uống thấy cũng đỡ. Nhưng tôi nghĩ chắc không phải bệnh này hoặc chỉ là giai đoạn đầu nên bị nhẹ, vì không phải lúc nào mẹ cũng bị chóng mặt. Bệnh này rất khó trị, có người bị cả mấy năm, tới lúc hết bệnh rồi ai hỏi uống thuốc gì mà hết cũng không biết trả lời thế nào vì đã uống qua biết bao nhiêu là loại thuốc. Nhắc đến đây tôi mới nhớ, hơn tháng rồi chưa mua thuốc cho mẹ. Hộp thuốc cũ chắc mẹ đã uống hết. Để qua mùa dịch Corona này tôi sẽ mua hộp mới đem về cho mẹ.
Sau vườn mẹ trồng khổ qua rừng, leo đầy giàn, trái thì đem kho nước tương, cành lá thì mẹ đem phơi để dành pha nước uống. Biết tôi bị tiểu đường nên lúc nào về chơi mẹ đều nấu, pha cả bình. Hôm nào hái được cả rỗ khổ qua mẹ cũng khoe với tôi rồi đem kho cho tôi ăn. Mấy đứa con gái giả bộ hờn mát nói với nhau: “Giờ mẹ thương con rễ hơn rồi, tụi mình chỉ là con ghẻ thôi”. Mẹ nghe xong chỉ cười tủm tỉm.
Mẹ sống rất tình cảm, lễ nghĩa và nghi thức xã giao khó chê được. Lúc bà nội còn sống, ở với chú Út, vài ba bữa là mẹ ghé thăm, trò chuyện với bà cho bà vui. Chăn ra nệm gối của bà do một tay mẹ giặt. Nhiều lúc bận việc chưa kịp ghé bà, bà đã sai người nhắn mẹ. Bà thương mẹ lắm, lâu lâu lại dấm dúi cho mẹ tiền. Để bà vui, lần nào mẹ cũng nhận. Tiền con cháu cho bà để dành, xem đứa cháu nào nghèo bà lại cho. Hình như bé Út nhà tôi lúc còn đi học là được bà cho nhiều nhất.

Mẹ tôi nghèo lắm, thỉnh thoảng lại đi làm việc nhà hoặc đồng áng cho người ta để kiếm ít tiền công về đi chợ. Mấy đứa con gái mẹ cứ kêu mẹ nghỉ ngơi nhưng mẹ lơ đi. Mẹ thích kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình. Lấy tiền của con cái cho thấy mẹ không được vui mà tự làm ra tiền thấy mẹ lúc nào cũng hớn hở.

Mẹ có đứa con trai riêng, năm nay khoảng hơn 40 tuổi, có vợ và hai đứa con ở Sài Gòn. Chúng tôi gọi là anh Hai. Giỗ chạp hay tết nhứt gì anh Hai cũng dẫn cả nhà về thăm mẹ, ở lại chơi vài bữa. Cháu nội của mẹ, trai khoảng 11,12 tuổi, nữ khoảng 5,6 tuổi trông rất dễ thương. Anh Hai dáng người nhỏ nhắn nhưng sức lực thì như trai trẻ. Tánh anh hiền hậu, hoà đồng. Mấy đứa em gái coi anh như anh ruột. Khi có người hỏi: “Nhà có 6 chị em phải không?” thì ai cũng trả lời: “Dạ không, còn có anh Hai nữa!”.

Thời tuổi trẻ, mẹ làm trong đoàn Văn công. Có lẽ vì vậy mà lúc về già dáng hình mẹ trông thon gọn, mặc áo dài rất đẹp. Mẹ có cả một tủ áo dài để dành đi lễ Nhà thờ hay đám tiệc. Nhìn mẹ, người lạ không thể nào tin mẹ đã có 6,7 mặt con. Khi có con gái may sắm cho bộ áo dài, nhìn mẹ săm soi, mặc thử mà lòng tôi dấy lên một cảm giác khó tả, gần như đó là niềm vui về một gia đình hạnh phúc.

Má tôi mất rồi, giờ tôi chỉ còn người mẹ này để quan tâm, báo hiếu. Cầu Chúa chúc lành cho mẹ luôn được nhiều sức khỏe, an vui để sống với con cháu đến trăm tuổi già. Kính mừng Maria đầy ơn phúc!
(08/4/2020)
