Chiếc cầu sàn nước


Hồi nhỏ chị em chúng tôi sống trong ngôi nhà ba gian, vách ván, mái ngói ở khu chợ Mới thị xã Bến Tre. Bên hông nhà là khoảng sân vườn, có con mương lớn thủy triều lên xuống, nước lớn nước ròng nên rất sạch, chúng tôi thường bơi tắm. Sát bờ là cầu sàn nước, diện tích khoảng 2×2 mét xây bằng xi măng cốt thép, để rửa chén bát, giặt giũ. Những lúc nước rong (nước lớn) thì không thấy sàn nước đâu cả vì nước đã lên sát mép bờ.
Năm 8,9 tuổi tôi đã thích tắm sông. Xế chiều nước lớn gần sát cầu sàn nước là tôi cởi trần chạy ra nhảy ùm xuống kênh mương rộng. Nhưng tôi không dám bơi ra xa mà chỉ lặn hụp tại chỗ. Bà cố ngoại tôi thường lo lắng, cấm chúng tôi không được tắm sông. Nhiều lúc bà trông thấy tôi đang lô nhô, kỳ cọ dưới mương liền đi lấy cọng lá dừa, bẻ đôi, hầm hầm ra tới. Tôi sợ quá liền leo lên, bị bà đét vô mông một roi. Tất nhiên là không đau đớn gì rồi, nhưng vì “ức” quá nên tôi cũng rơm rớm nước mắt.
Vào những chiều mùa mưa, tôi thích ra đứng trên cầu sàn nước để nhìn cá lòng tong bay. Trời mênh mang gió nhẹ, từng đàn cá lòng tong bay từ mặt nước phóng vụt lên cao cả nửa thước, rợp cả dòng kênh. Chúng bay không ngớt, cho đến lúc trời tối hẳn. Ngồi ở sàn nước còn nhìn được cá lóc dẫn bầy ròng ròng bơi lội. Cá con ròng ròng nhỏ xíu, đỏ au một bầy cứ bơi theo mẹ, trông thật dễ thương.
Nhà má tôi nuôi vịt cả bầy trắng phau phau, buổi trưa thường hay kéo nhau xuống bơi trên dòng kênh mương bình lặng. Tôi ngồi trên sàn nước, nhìn bầy vịt tung tăng lặn ngụp hoài mà không chán. Chiều, khi cả nhà tôi đang quay quần bên bàn ăn thì đàn vịt kéo vào, lúc nhúc kêu inh ỏi. Má tôi vội đứng lên, cười nói:
- Mới giờ này đã đói bụng rồi. Ra đây, ra đây con.

Vào tháng 7 tháng 8 âm lịch, mùa lũ từ thượng nguồn Mê kông cuồn cuộn đổ về, nước sông chở đầy phù sa nhưng dòng kênh mương nhà tôi nước vẫn trong xanh phẳng lặng. Khi nước lớn dâng gần sát mép bờ, tôi xếp những chiếc thuyền giấy ra thả trôi theo dòng nước. Những chiếc thuyền lững lờ trôi đi, trôi đi, như chở theo bao ước mơ thời tuổi dại.
Rồi đến một hôm, má tôi kêu người chở về nhiều những thùng thiếc đựng cá tra giống, đem thả xuống mương. Má cho rào kênh lại, cấm không cho chúng tôi xuống tắm nữa. Hàng ngày má cho cá ăn bánh mì cũ của hôm trước bán còn ế lại. Chúng tôi đứng trên cầu sàn nước, bẻ bánh mì thành từng miếng nhỏ quăng xuống. Đàn cá nhô lên đớp mồi, nhìn thấy ham.
Kể về chiếc cầu sàn nước, tôi không thể quên lần “chết hụt” năm 10 tuổi. Chiều hôm đó chị Hai tôi đang ngồi rửa chén, tôi bước ra định xem coi có cá lòng tong bay chưa. Không ngờ bị trợt nước xà phòng chị tôi mới đổ ra khiến tôi té ùm xuống mương. Bình thường tôi xuống tắm thì từ từ mà xuống, không sao cả. Nhưng lúc ấy bị bất ngờ nên tôi như người đuối nước, hớp phải mấy ngụm, chới với cả tay chân. Chị Hai tôi hoảng hốt nhảy liền xuống đến dìu tôi lên. Có lẽ nhìn thấy tôi trợn trắng mắt nên chị kêu to lên thảng thốt:
- Thằng Sĩ té sông nè!
Má tôi và mấy chị em tôi chạy ra. Lúc ấy tôi đã hoàn hồn, lồm cồm bò dậy.
Trước đó một năm, bà cố tôi được bà Tám rước lên Sài Gòn ở. Bà Tám là con gái út của bà cố, là dì ruột của má tôi. Bà rất thương tôi, vốn là người chăm sóc tôi từ bé. Lên ở với bà dì tôi rồi, thỉnh thoảng bà lại nói “nhớ thằng Sĩ quá” và đòi về thăm. Cứ như vậy hoài khiến bà dì tôi nảy ra ý định cho tôi lên ở chung với bà cố. Thế là cuối năm đó tôi lên Sài Gòn đi học.
Ở nhà bà dì, ngoài lúc đi học ra tôi thường ru rú trong nhà đến phát chán. Tôi nhớ quê nhà, nhớ ba má và mấy người chị, mấy đứa em. Và nhất là nhớ chiếc cầu sàn nước đã gắn bó thật nhiều với tuổi thơ tôi. Tết năm đó được bà dì cho về quê, tôi mừng quá, cả đêm không ngủ. Về đến nhà, sau cảnh vui sum họp, tôi liền chạy ra cầu sàn nước. Giữa buổi chiều vàng gió lộng mênh mông, dòng kênh lăn tăn sóng, tôi ngồi xuống nhìn con cá lóc mẹ đang dẫn bầy ròng ròng bơi lượn. Cảnh cũ của tôi đây rồi. Tôi nhìn mãi, say mê. Có tiếng nói từ đâu đó khẽ ngân lên mà tôi đồ rằng của chiếc cầu sàn nước:
- Chào người xa vừa trở về. Chiều nay trời đẹp nhỉ.
(22/4/2020)

